Các tác giả và nghệ sĩ có nguồn gốc nhập cư chỉ ra những sự hòa nhập đầy căng thẳng và những triển vọng mới trong xã hội.
Trong một xã hội dựa trên cơ sở đa nguyên của nước Đức không thể có một xu hướng văn hóa chế ngự tất cả các xu hướng khác, cũng như không thể có một thủ đô che lấp tất cả các thành phố còn lại. Được cơ cấu liên bang hỗ trợ, ở Đức đã hình thành tính đồng thời và không đồng thời, có những khuynh hướng rất khác nhau, có khi trái ngược nhau và cạnh tranh lẫn nhau trong sân khấu, điện ảnh, âm nhạc, nghệ thuật thị giác và văn học.
Đã xuất hiện một xu hướng rõ ràng trên sân khâu. Số lượng những tác phẩm được công diễn lần đầu tiên của các tác giả đương đại tăng vọt. Họ cho thấy sự đa dạng của những hình thức trình diễn hiện nay, mà trong đó sân khấu kịch nói truyền thống thường hòa quyện với kịch câm, múa, video, diễn xuất của diễn viên nghiệp dư và âm nhạc thành một hoạt động sân khấu hậu kịch trường gần gũi và tương tự như nghệ thuật sắp đặt. Tính đa dạng, như được thể hiện trong Cuộc gặp gỡ tại Berlin của những người làm sân khấu tổ chức vào tháng 5 hàng năm, là câu trả lời có nhiều tiếng nói trước câu hỏi về tính thật sự phức hợp.
Bên cạnh khuynh hướng văn hóa chủ đạo được một lực lượng xã hội trung dung gánh đỡ còn xuất hiện một cái mới từ các tầng lớp bên rìa xã hội đang ngày càng thâm nhập vào văn hóa sân khấu tự do và cả văn hóa sân khấu chính thống và giao thoa với các loại hình này. Đó là hiện tượng „Hậu nhập cư“ phản ánh Đức là một xã hội nhập cư và có thể nhận thấy điều đó rõ ràng tại nhiều thành phố, nhất là ở Berlin. Hàng triệu người Đức có nguồn gốc nhập cư sống tới thế hệ thứ 2, thứ 3 ở Đức và họ kể về họ và về cuộc đời của bố mẹ, ông bà họ với những câu chuyện khác với những công dân sống ở nước Đức từ hàng trăm năm nay. Dù sinh ra ở Đức hay ở nước khác, thông thường họ không chịu ảnh hưởng của một câu chuyện nhập cư cụ thể, mà của kinh nghiệm họ thu được từ sự pha trộn văn hóa. Cuộc sống trong những mối liên quan văn hóa khác nhau này làm nảy sinh những hình thức mới để tranh luận nghệ thuật với xã hội và phản ánh những tuyến xung đột đương thời và những thỏa thuận đạt được về quyền lợi, về sự hòa nhập và về sự tham gia. Đã xuất hiện những cách kể chuyện mới chuyển tải một hình ảnh tự thân mới của xã hội và tạo dấu ấn lên nhận thức văn hóa về nước Đức ở nước ngoài.
„Sân khấu hậu nhập cư“ của Shermin Langhoff trong nhà hát Maxim Gorki ở Berlin được coi là ngọn hải đăng của khuynh hướng làm nghệ thuật ca ngợi tính liên kết văn hóa này. Những tác phẩm dàn dựng của bà không chỉ đến với công chúng truyền thống của sân khấu, mà với tới một lớp khán giả mới, đa số còn trẻ. Những tác phẩm đó phản ánh một quá trình hỗn độn và quá trình đó tự phát triển liên tục và tự định hình. Với vở „Common Ground“ về cuộc chiến tranh Ban-căng, do nữ đạo diễn người Israel Yael Ronen dàn dựng, nhà hát Gorki đã được mời đến Cuộc gặp gỡ tại Berlin của những người làm sân khấu năm 2015. Tuy vậy sân khấu chỉ làm điều mà nhạc Pop và văn học đã làm từ lâu rồi. Cũng tại đây tiểu sử nghệ sĩ phản ánh tính đa dạng của xã hội và những sự hòa nhập đầy gay cấn của các khuynh hướng rất khác nhau chỉ ra những triển vọng mới. Trong nhạc Pop các khuynh hướng âm nhạc quốc tế rất khác nhau (nhạc Beat Ban-căng, nhạc Sound của người Mỹ gốc Phi, nhạc Rock của Thổ Nhĩ Kỳ, nhạc Hip Hop của Mỹ) được kết hợp với nhau dưới ảnh hưởng của những hiện tượng điện tử, là những hiện tượng được coi là „rất Đức“. Giống như ở các nước khác, ở Đức nhạc Rap đóng một vai trò khẳng định bản thân của con em các gia đình nhập cư.
Trong văn học đương đại các chủ đề hậu nhập cư đóng một vai trò trung tâm
Các tác giả quan trọng có nguồn gốc nhập cư như Navid Kermani, người năm 2015 được trao giài thưởng hòa bình của Ngành kinh doanh sách Đức, một trong những giải thưởng văn hóa danh giá nhất của Đức, hay Katja Petrowskaya, Sherko Fatah, Nino Haratischwili, SašaStanišić, Feridun Zaimoglu hoặc Alina Bronsky thuộc số những tác giả viết tiếng Đức thành công nhất từ nhiều năm nay. Sách của họ phản ánh cả những kinh nghiệm về Iran, Nga, Thổ nhĩ Kỳ, được nhiều người đọc và văn học của mỗi người đưa những chủ đề riêng và kinh nghiệm nhập cư riêng của bản thân vào xã hội.
Phim của các đạo diễn Fatih Akin hoặc Bora Dagtekin cũng tương tự như vậy. Họ khéo léo để cho những điều kiện xã hội và những sự nhàm chán, sáo rỗng va đập với nhau. Hình ảnh nước Đức xuất hiện khi đó và được phản ánh dưới những góc độ rất khác nhau, là một hình ảnh đôi khi hỗn độn và mâu thuẫn. Xã hội phải học cách chịu đựng những mâu thuẫn và căng thẳng này. Nghệ thuật phản ánh điều đó và tạo sân chơi cho các xung đột xả van một cách hòa bình. Nước Đức thời hậu nhập cư không nhất thiết là một đất nước ấm áp, nhưng hấp dẫn và năng động.
Cởi mở ra thế giới và quốc tế hóa cũng là những đặc điểm của nghệ thuật thị giác ở Đức. Điều đó thể hiện qua số lượng sinh viên nhập học các trường đại học nghệ thuật. Năm 2013 lần đầu tiên số lượng sinh viên nước ngoài nhập học đông hơn sinh viên Đức. Ngày nay Berlin với khoảng 500 gallery và nhiều không gian tự do cho các quan điểm nghệ thuật được coi là thủ đô của nghệ thuật đương đại trẻ và là một trong những địa bàn sáng tạo nghệ thuật đương đại lớn nhất thế giới. Điều đó cũng được thể hiện hai năm một lần tại Liên hoan nghệ thuật Venice, nơi nhiều nghệ sĩ quốc tế có tác phẩm trưng bày tại đây sống ở Berlin.
(Theo tatsachen-ueber-deutschland.)