Đức có một môi trường truyền thông nhiều tiếng nói và tự do. Số hóa là yếu tố khởi phát một quá trình chuyển đổi cơ cấu sâu sắc.
Ở Đức tự do báo chí và tự do chính kiến được bảo đảm ở mức độ cao và được hiến pháp bảo vệ. Điều 5 Luật cơ bản quy định „Mỗi người có quyền thể hiện và công bố chính kiến của mình bằng lời nói, chữ viết và hình ảnh và thu thập thông tin từ những nguồn phổ cập mà không bị ngăn cản.(...) Không có kiểm duyệt.“ Bảng chỉ số tự do báo chí của tổ chức phi chính phủ „Phóng viên không biên giới“ năm 2015 xếp Đức đứng thứ 12 trong 180 nước. Ở Đức có sự đa dạng của chính kiến và tính đa nguyên của thông tin. Báo chí không nằm trong tay các chính phủ hoặc đảng phái, mà do các tập đoàn truyền thông tư nhân chịu trách nhiệm. Đài phát thanh, truyền hình công lập (ARD, ZDF, Deutschlandfunk) được tổ chức theo mô hình của Anh là các công ty hoặc đài thu cước phí và là trụ cột thứ hai trong môi trường truyền thông được hình thành trên cơ sở nguyên tắc song hành công và tư, mà cốt lõi của nó không thay đổi từ khi thành lập Cộng hòa Liên bang Đức năm 1949. Từ năm 2015 cước phí phát thanh, truyền hình là 17,50 Euro một tháng. Bên cạnh đó từ thập niên 80 xuất hiện nhiều đài phát thanh, truyền thình tư nhân trên thị trường. Năm 2014 trung bình mỗi một gia đình thu được chương trình của 78 đài truyền hình. Kể cả những chương trình truyền hình trả tiền, tổng cộng có gần 400 chương trình. Các chương trình tin tức quan trọng nhất của truyền hình là „Tagesschau“ và „Tagesthemen“ của ARD, „heute“ và „heute journal“ của ZDF và chương trình „RTL aktuell“. Chỉ riêng tại Berlin, một trong số 10 thành phố truyền thông đứng đầu thế, đã có tới 900 phóng viên Đức và 400 phóng viên từ 60 nước được đăng ký.
Trong môi trường truyền thông đa tiếng nói có 329 nhật báo, đa số là báo phát hành trong các vùng, 20 tuần báo và 1.590 tạp chí đại chúng (năm 2014). Sau Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ, Đức là thị trường báo lớn thứ 5 thế giới. Mỗi một ngày phát hành có 17,54 triệu số nhật báo và 5 triệu số tuần báo và nguyệt báo được bán ra (năm 2014). Những tờ nhật báo đứng đầu và phát hành trong cả nước „Süddeutsche Zeitung“, „Frankfurter Allgemeine Zeitung“, „Die Welt“, „Die Zeit“, „taz“ và „Handelsblatt nổi trội lên bằng những phóng sự điều tra, phân tích nguyên nhân sâu xa và bình luận toàn diện. Tạp chí tin tức „Spiegel“/„Spiegel Online“ và tờ báo lá cải „Bild“ được coi là những phương tiện truyền thông hay được trích dẫn nhất
Đồng thời truyền thông cũng đang trong một giai đoạn chuyển đổi cơ cấu sâu sắc. Từ 15 năm nay trong mảng nhật báo số lượng báo in bán ra giảm đều đặn từ 1,5 đến 2%. Nhật báo ngày càng mất đi nhiều độc giả trẻ, số lượng báo in tiếp tục giảm và doanh thu từ quảng cáo rất khó khăn. Hơn 100 tờ báo đã tiến hành thu phí để phản ứng lại văn hóa miễn phí trên mạng.
Số hóa thế giới truyền thông, mạng Internet, sự tăng trưởng mạnh mẽ của thiết bị di động đầu cuối và cuộc chinh phục thắng lợi của truyền thông xã hội đã làm thay đổi rõ rệt thái độ sử dụng truyền thông. 55,6 triệu người Đức trên 14 tuổi (79%) vào mạng. Năm 2014 mỗi một người sử dụng Internet vào mạng 5,9 ngày một tuần và mỗi ngày vào mạng 166 phút. Cứ hai người lại có một người lướt mạng bằng di động. Ngoài ra hơn một nửa số người sử dụng Internet là thành viên của một cộng đồng tư nhân. Cuộc cách mạng số hóa đã đưa ra một khái niệm công luận mới. Các phương tiện truyền thông xã hội và không gian Blogg là tấm gương phản ánh một xã hội mở và đối thoại, mà trong đó mỗi người đều có thể đóng góp ý kiến tham gia tranh luận. Liệu các diễn đàn tương tác trên mạng có đồng thời tạo ra nền móng cho một nền báo chí số hóa tồn tại được trong tương lai không, điều đó chúng ta còn phải đợi. Tại Đức ví dụ như sự phát triển của tạp chí Online „Krautreporter“ ra đời năm 2014 như là một dự án gọi vốn cộng đồng đang được hồi hộp theo dõi.
(Theo tatsachen-ueber-deutschland)