duhocduc-iec.edu.vn duhocduc-iec.edu.vn duhocduc-iec.edu.vn duhocduc-iec.edu.vn duhocduc-iec.edu.vn

Nội dung   ››   Đất nước con người Đức   ››   Văn hoá & truyền thống

Ngôn ngữ hấp dẫn

Tiếng Đức là tiếng mẹ đẻ được nói nhiều nhất trong Liên minh châu Âu. Ở nhiều nước mối quan tâm đến việc học tiếng Đức tăng nhanh.

Tiếng Đức thuộc nhóm 15 ngôn ngữ German – một nhánh trong gia đình ngôn ngữ Indo-German. Gần 130 triệu người ở Đức, Áo, Thụy Sĩ, Luxemburg, Bỉ, Lichtenstein và Nam Tirol (Italia) dùng tiếng Đức là tiếng mẹ đẻ hoặc thường xuyên sử dụng như là ngôn ngữ thứ hai. Như vậy tiếng Đức là tiếng mẹ đẻ được nói nhiều nhất trong Liên minh châu Âu và là một trong 10 ngôn ngữ được sử dụng nhiều nhất. Theo kết quả công trình nghiên cứu „Tiếng Đức là ngoại ngữ được dùng trên khắp thế giới“ được công bố năm 2015 thì có 15,4 triệu người hiện đang học tiếng Đức như là một ngoại ngữ. Ước tính có khoảng 100 triệu người trên thế giới nói tiếng Đức như là một ngoại ngữ. 

 

Một lý do giải thích tầm quan trọng một cách không tương xứng của tiếng Đức dựa trên số lượng người nói tiếng Đức là nền kinh tế mạnh mẽ của nước Đức làm cho tiếng Đức hấp dẫn hơn. Sự hấp dẫn này tạo nên một cơ sở cho chính sách tích cực quảng bá ngôn ngữ. Chính sách này hỗ trợ các cơ sở dạy tiếng Đức ở trong và ngoài nước, cấp học bổng hoặc xây dựng các chương trình đào tạo cho sinh viên quốc tế từ xa. Sự quan tâm đến tiếng Đức gia tăng rõ rệt, đặc biệt tại các cường quốc mới là Trung Quốc, Ấn Độ và Brasil, cũng như cho thấy mối quan tâm đó nhìn chung gia tăng tại khu vực châu Á, nơi mà nhu cầu tiếng Đức từ năm 2010 có chỗ tăng gấp 4 lần. 

Cơ sở học tiếng Đức quan trọng là 140 trường phổ thông Đức ở nước ngoài và hơn 1.800 trường phổ thông được tăng cường giờ dạy tiếng Đức thuộc mạng lưới các „Trường học – đối tác của tương lai“ (PASCH) theo sáng kiến trường học đối tác của Bộ Ngoại giao Đức. Viện Goethe tổ chức dạy tiếng Đức và các kỳ thi tiếng Đức tại hơn 90 nước. Năm 2014 có khoảng 228.000 người theo học các khóa tiếng Đức tại Viện Goethe. Trong các trường đại học tại 108 nước có khoảng 1,3 triệu người học tiếng Đức. 

Tầm quan trọng của tiếng Đức như là một ngôn ngữ khoa học quốc tế có xu hướng giảm đi. Trong các ngành khoa học tự nhiên tỷ lệ các công trình được các ngân hàng dữ liệu của các thư viện công bố trên toàn cầu bằng tiếng Đức chiếm một phần trăm. Trong các ngành khoa học nhân văn và xã hội tiếng Đức có một tầm quan trọng truyền thống và cao hơn. Tuy nhiên các nhà khoa học không nói tiếng Đức chỉ còn công bố kết quả nghiên cứu bằng tiếng Đức trong những trường hợp ngoại lệ. Trong khi đó các nhà khoa học nói tiếng Đức lại tăng cường công bố kết quả nghiên cứu bằng tiếng Anh, đặc biệt trong các ngành khoa học tự nhiên. Ngược lại trên Internet tiếng Đức đóng một vai trò quan trọng. Đáng kể là vị trí thứ 2 trong Online-Lexikon Wikipedia của tiếng Đức tính theo số lượng các bài viết (tiếng Anh hơn 3 triệu bài, tiếng Đức hơn 1 triệu bài, tiếng Pháp khoảng nửa triệu bài)

Toàn cầu hóa tạo áp lực lên tất cả các ngôn ngữ quốc tế và tiếng Anh, với tư cách là ngôn ngữ thế giới, được tăng cường mạnh mẽ. Tuy vậy tiếng Đức sẽ vẫn tiếp tục là một ngôn ngữ quốc tế quan trọng.

(Theo tatsachen-ueber-deutschland)