Lễ Phục sinh (Ostern) là ngày lễ quan trọng nhất theo lịch Thiên chúa giáo, thậm chí còn quan trọng hơn cả Lễ Giáng sinh. Giáng sinh tượng trưng cho ngày Chúa Jesus giáng thế, trong khi lễ Phục sinh tượng trưng cho sự hồi sinh của Đức Chúa, cho lòng vị tha và sự sống vĩnh hằng.
Nguồn gốc của lễ phục sinh
Lễ Phục sinh không có nguồn gốc thực sự từ đạo Ki-tô giáo. Đây được coi như lễ hội mùa xuân, bắt nguồn từ lễ hội Ostara - lễ hội của người ngoại giáo. Lễ hội này được tổ chức hằng năm vào ngày Xuân Phân để tưởng nhớ các Nữ thần Mùa Xuân khác nhau trên toàn Châu Âu. Lễ hội Ostara đánh dấu sự khởi đầu của mùa xuân, là thời điểm ngày dài hơn đêm và quan trọng nhất là thời điểm bắt đầu việc gieo trồng trên đồng ruộng.
Từ “ Ostara” dường như được đặt theo của Nữ Thần Mùa Xuân – Eostre - của người Anglo – Saxon (Anh). Từ vài thế kỷ đầu tiên theo lịch Thiên Chúa, Giáo Hội đã tận dụng những ngày lễ của người ngoại giáo để thực hiện việc cải Đạo cho người dân ngoại giáo. Thay vì thực hiện lịch của riêng mình với những ngày lễ của nhà thờ Thiên Chúa giáo, nhà thờ đã chuyển đổi các ngày lễ của người ngoại giáo thành những ngày lễ của Thiên Chúa giáo. Vì lễ Ostara và tuần Thánh khá trùng nhau, lễ hội Mùa Xuân được gọi đơn giản từ “Ostara” thành “ Ostern” (mang nghĩa Phục sinh).
Lễ Phục sinh diễn ra khi nào?
Cho đến đầu thế kỷ thứ 4, không có quy định thống nhất nào trong nhà thờ Thiên chúa giáo về ngày kỷ niệm Lễ Phục sinh. Tùy thuộc vào việc tổ chức của giám mục và các vị cao niên, mà lễ Phục sinh được tiến hành vào thứ sáu đến chủ nhật hay chỉ trong ngày thứ bảy. Cho tới hội nghị Giáo hội diễn ra tại Nicea vào năm 325 thì ngày kỷ niệm Lễ Phục Sinh mới được quy định là ngày chủ nhật đầu tiên của kỳ trăng tròn hoặc sau ngày Xuân Phân - ngày 21 tháng 3.
Trứng phục sinh
Một trong số các hoạt động trong ngày chủ nhật Phục sinh là việc tìm những quả trứng Phục sinh. Mọi trẻ em theo đạo Thiên chúa giáo đều hào hứng, mong chờ và xem đây là phần quan trọng nhất của ngày lễ và cứ vào lễ Phục sinh thì nhiều nơi trên thế giới lại tổ chức các sự kiện cộng đồng cho cả người già và người trẻ cùng nhau tham gia tìm trứng Phục sinh.
Trứng phục sinh là một trong số những biểu tượng trung tâm của lễ Phục sinh và ban đầu, trứng được sử dụng là trứng thật, tuy nhiên ngày nay người ta thường có xu hướng dùng trứng được làm từ sô cô la hay từ bột hạnh nhân với nhân kem hơn.
Trứng Phục sinh tượng trưng cho sự sống mới. Ở nhiều tôn giáo thì quả trứng là biểu tượng của sự sống mới hay sự tái sinh. Từ quả trứng sẽ nở ra thành một chú gà, điều đó có nghĩa là một sự sống mới được hình thành từ một vật thể vốn vô tri vô giác. Ở Ai Cập cổ đại hay ở xứ Phê-ni-xi cũng như ở Ba Tư, quả trứng từng được xem là nguồn gốc của thế giới; tất cả sự sống trên địa cầu này đều nở ra từ quả trứng thần bí rơi từ trên trời xuống. Ở Rome và Hy Lạp cổ đại, trong suốt quá trình diễn ra lễ hội Mùa Xuân, những quả trứng sẽ được tô màu hoặc vẽ trang trí rồi sau đó được dùng như món quà để tặng bạn bè. Tại các ngôi đền ở Hy Lạp và Ai Cập, trứng còn được treo lên như vật trang trí trong những ngày lễ hội Mùa Xuân
(Ảnh: Internet)
Thỏ Phục sinh
Thỏ Phục sinh chính là biểu tượng nổi tiếng nhất của lễ Phục sinh vì trong ngày lễ này thỏ sẽ mang đến trứng Phục sinh cùng tất cả những món đồ ngọt hấp dẫn khác. Với khả năng sinh sản chóng mặt của mình, trong các nền văn hóa, thỏ cũng được coi là biểu tượng của sự sinh sản, sức sống dồi dào, mạnh mẽ. Nhưng quan trọng hơn, hình ảnh chú thỏ gắn liền với một truyền thuyết về nữ thần Mùa Xuân Ostara (còn gọi là Eastre) được nhắc đến ở phần đầu bài viết này.
Chuyện kể rằng, thần Ostara có lần mang mùa xuân tới Trái đất muộn. Điều này khiến muông thú và mọi vật phải chịu cảnh giá lạnh. Khi Ostara tới, thần vô tình thấy một chú chim sắp chết vì hai cánh bị đóng băng. Cảm thương, Ostara bèn giải cứu, biến chú chim thành một con thỏ và giữ nó bên mình làm thú cưng. Ostara cũng ban cho thỏ con khả năng đẻ trứng cùng khả năng chạy rất nhanh. Thần muốn chú thỏ sẽ thay người tặng quà trẻ em khi xuân về. Tuy nhiên, sau này, thỏ thần vô tình khiến Ostara nổi giận. Nó bị thần ném lên bầu trời, hóa vào chòm sao Lepus. Một năm, thỏ chỉ được xuống nhân gian một lần vào mùa xuân để tặng những quả trứng đáng yêu cho người dân dưới trần thế. Cũng từ đó, hình ảnh thỏ mang trứng trở thành một nét đặc biệt trong ngày lễ Phục Sinh của phương Tây.
Chính xác thì công việc này được thỏ Phục sinh đảm nhận từ cách đây chưa lâu, chỉ từ thế kỷ 17 sau khi một giáo sư y khoa Von Georg Franck ở Franckenau dạy đại học Heidelberg công nhận thỏ là biểu tượng của sự sinh nở phong phú. Trước đó đã có các con vật khác đảm nhận việc này, tùy theo từng tôn giáo mà người tiền nhiệm của thỏ Phục sinh có thể là một chú cáo, một chú chim cúc cu, một con cò hay là một con chim Phục sinh. Chúng sẽ đem những quả trứng Phục sinh giấu vào các khu vườn hoặc bãi cỏ của các gia đình để sau đó trẻ em có thể tìm những quả trứng này.
(Ảnh: Internet)
Ha Tran - Phỏng dịch theo: http://www.ostern-mit-dem-osterhasen.de